Gừng tươi là một loại gừng chưa qua xử lý sau khi được thu hoạch. Thường là gừng màu trắng hoặc màu hồng nhạt, gừng tươi có vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng.
Người ta thường sử dụng gừng tươi để chế biến các món ăn, làm nước giải khát hoặc làm thuốc dân gian vì các tính chất dinh dưỡng và đặc tính y học của nó.
Mẹo bảo quản gừng tươi dùng quanh năm
Gừng mua số lượng nhiều nếu không biết cách bảo quản sẽ nhanh mọc mầm hoặc bị teo quắt lại, không sử dụng được.
Gừng là loại gia vị không thể thiếu trong bếp của nhiều gia đình. Áp dụng các mẹo bảo quản gừng dưới đây, bạn có thể giữ được độ tươi ngon của loại gia vị này trong thời gian dài mà không lo hỏng.
Đọc thêm: Mẹo thái lá chanh nhỏ hơn sợi chỉ
Bảo quản bằng thùng carton và baking soda
- Với cách bảo quản này, lưu ý là không nên rửa gừng mua về mà chỉ dùng giẻ khô lau sạch bụi bẩn trên bề mặt, nếu tiếp xúc với nước dễ bị hỏng.
- Sử dụng một thùng carton rồi lót một lớp giấy báo bên dưới, nếu không có giấy báo có thể dùng khăn giấy. Sau khi trải lớp giấy báo, rắc lên trên một ít baking soda (muối nở). Loại muối này có thể hút hơi ẩm trong không khí, bọc giấy lại có thể chặn hơi ẩm ở dưới đáy, để gừng có thể bảo quản được lâu trong môi trường khô ráo.
- Sau khi lót giấy và baking soda, cho gừng vào thùng carton. Sau khi xếp gừng xong, lót một lớp giấy khác lên trên và rắc một ít baking soda lên rồi tiếp tục trải lớp gừng. Làm các bước như vậy cho đến khi đầy thùng.
- Khi hộp đầy, dùng giấy báo cũ bọc lại, đậy kín hộp và bảo quản ở nơi thoáng mát. Bằng cách này, gừng có thể được cách ly với không khí và bảo quản tươi 6 tháng.
Bảo quản bằng rượu trắng và màng bọc thực phẩm
- Rượu có tác dụng diệt khuẩn, sát trùng còn màng bọc thực phẩm có thể cách ly không khí và hơi ẩm, giữ cho gừng tươi lâu.
- Cho nước lạnh vào tô, thêm một thìa muối, khuấy đều cho đến khi muối tan. Ngâm gừng 10 phút rồi phơi khô hoặc dùng khăn bếp lau khô.
- Đổ rượu trắng nồng độ cao vào tô, thêm gừng vào ngâm trong một phút, lấy ra để nơi thoáng mát cho khô. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín, cho vào hộp kín. Để nơi thoáng mát, gừng được bảo quản tươi một tháng.
- Ngoài ra, có thể ngâm gừng với rượu vang hay rượu táo để nêm nếm thức ăn hoặc pha chế thành những loại nước uống cocktail ngon miệng. Theo đó, chỉ cần gọt sạch vỏ, thái lát mỏng rồi cho vào hũ thủy tinh.
- Sau đó đổ rượu vào gừng với tỉ lệ một phần gừng, năm phần rượu rồi đậy kín nắp. Sau 10 ngày có thể lấy ra sử dụng. Nên bảo quản ở nơi thoáng khí, mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp.
Bảo quản bằng rượu trắng và muối
Cả rượu trắng và muối ăn đều có tác dụng diệt khuẩn, giúp gừng không bị ôi thiu và tươi lâu.
Gừng rửa sạch, lau khô rồi cắt thành từng lát mỏng. Chuẩn bị hộp đựng kín, đổ một lượng rượu trắng nồng độ cao, đậy nắp và lắc đều để khử trùng. Cho gừng thái lát vào hộp rồi rắc thêm một lượng muối nhỏ, đổ rượu trắng vào. Khuấy đều hỗn hợp rồi đậy kín nắp, cho vào tủ lạnh. Gừng bảo quản theo cách này sẽ tươi lâu nửa năm.
Nếu không có rượu, có thể bảo quản gừng chỉ bằng muối trắng.
Gừng mua về, rửa sạch đất cát. Chuẩn bị chậu nước pha với muối, cho gừng vào ngâm khoảng 15 phút. Vớt gừng ra để ráo nơi thoáng mát, chờ cho đến khi gừng khô hẳn (lưu ý không mang gừng ra nắng phơi, cũng không cho gừng vào lò hong để làm gừng nhanh khô). Dùng màng bọc thực phẩm/túi zip cất gừng, đặt nơi thoáng mát.
Cách bảo quản gừng bằng muối rất tiện lợi, không nhất thiết phải bỏ gừng trong tủ lạnh để bảo quản mà vẫn có gừng tươi dùng lâu dài bất cứ khi nào cần với những lát gừng nguyên bản…