Phương pháp nuôi dạy con sớm của người Nhật giai đoạn 0-6 tuổi (P5)

0
165

Phương pháp nuôi dạy con sớm vẫn chỉ là phương pháp và sự thành công còn tùy thuộc vào sự nỗ lực và nghiêm túc của các bậc cha mẹ, phụ thuộc vào tố chất mỗi đứa trẻ có, vào yếu tố gia đình và xã hội.

Chương 5: Tác Giả IBUKA Masaru đưa ra những lời khuyên giúp trẻ có hứng thú học tập

Tác Giả IBUKA Masaru

1. Thời kì lặp đi lặp lại ta dạy trẻ những gì thì hãy quan sát để xem trẻ có hứng thú với cái gì, hình khối, hội họa, âm nhạc, sách truyện, …để từ đó chuyển qua giai đoạn tạo hứng thú cho trẻ.

2. Khi trẻ đang tập trung hay có hứng thú làm gì thì không nên ngắt giữa chừng mà cứ để trẻ làm, dù lúc đó chuẩn bị ăn cơm hay có việc gì.

3. Để tạo hứng thú cho trẻ thì nên khen trẻ hơn là chê, vì nếu ba mẹ chê việc gì trẻ làm thì tự nhiên trẻ sẽ không có tự tin để làm cái đó nữa.

4. Khi khen trẻ thì nên khen là tốt, con đã cố gắng, con giỏi và thể hiện sự hài lòng, vui mừng của mình hơn là việc đánh giá việc trẻ làm là đẹp hay xấu. Nghĩa là chú ý đến quá trình trẻ cố gắng hơn là kết quả mà trẻ đã làm được tốt hay xấu.

5. Tránh dùng những từ ra lệnh với trẻ ví dụ mẹ cấm con…, hãy ăn cơm đi, hãy tắm đi, hãy thu dọn đồ chơi vào…mà thay bằng những từ như sao con không… nếu con làm…thì mẹ sẽ rất vui…

6. Nếu trẻ không ăn thì hãy nghĩ cách cải thiện món ăn để phù hợp với trẻ thay vì ép trẻ ăn đến phát khóc.

7. Cha mẹ cùng học với con cái là cách tốt nhất giúp con học hiệu quả. Ví dụ khi cho trẻ xem ti vi thì nên ngồi bên cạnh xem cùng trẻ rồi giải thích cho trẻ thay vì để trẻ ngồi coi ti vi một mình, cùng đọc truyện, cùng chơi…

8. Khi để trẻ trong trạng thái đói sẽ là điều kiện kích thích khả năng thích ứng của trẻ.

9. Không phải lúc nào cũng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, mà hãy đẻ trẻ trải qua cảm giác không có được điều mình muốn. Và đừng bao giờ đánh mất quyền và uy nghiêm của một người mẹ đó là con cái phải biết vâng lời và sợ lời mẹ nói. Nếu ta quá nuông chiều và cung phụng trẻ thì uy quyền của người mẹ sẽ không còn, con cái sẽ không còn sợ lời mẹ nói nữa.

10. Khi trẻ hỏi vì sao thì không nên giả vờ bỏ qua mà hãy trả lời. Nếu ta không biết câu trả lời thì hãy thành thực với trẻ và trả lời là để cha mẹ sẽ tìm hiểu sau. Không nhất thiết phải giải đáp cặn kẽ, hãy để câu trả lời sẽ là một kích thích để trẻ muốn tìm hiểu sâu hơn.

11. Học và chơi kết hợp song song chứ không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng 2 công việc này.

12. Đối với những khái niệm trừu tượng thì hãy lấy hình ảnh hay tự mình làm ví dụ để minh họa.

13. Hãy chọn những đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo của trẻ thì trẻ sẽ không bị mau chán. Ví dụ như chơi ghép hình, lấy cây gỗ để xếp nhà, nặn đất sét, vẽ tranh….

14. Đối với hứng thú của trẻ thì không nên đánh giá cái nào là tốt hơn. Cái nào trẻ tỏ ra có hứng thú ta cũng đều nên ủng hộ hết. Nó sẽ giúp trẻ tự tin, đồng thời đó là cách giúp cha mẹ tìm ra được năng khiếu đặc biệt ở trẻ để có thể giúp trẻ phát huy tối đa khả năng đó.

15. Khi dạy nói cho trẻ thì không nên phân biệt ngôn ngữ trẻ con với ngôn ngữ người lớn, hãy dạy tiếng chuẩn, ngôn ngữ người lớn luôn cho trẻ để sau này không mất công đoạn trẻ chuyển từ ngôn ngữ trẻ con sang ngôn ngữ chuẩn. Ví dụ dạy là “con chó” tốt hơn là dạy từ “con cún”.

16. Đừng bao giờ so sánh trẻ với đứa trẻ khác vì như thế sẽ làm chúng mất tự tin, nhút nhát và không muốn cố gắng. Khi có hai anh em (chị em) thì cũng không nên so sánh hai anh em với nhau sẽ làm chúng trở nên không yêu thương nhau.

17. Trong học tập thì hãy ưu tiên dành thời gian dạy đứa lớn thì sẽ hiệu quả hơn. Khi đang chỉ bài cho đứa lớn mà đứa em cũng sà vào muốn làm theo thì hãy khuyến khích đứa em, hãy để đứa em học cùng anh.

Hãy chuẩn bị hai bộ dụng cụ giấy bút để đứa em cũng có thể tham gia học hành hay chơi cùng. Đó là phương pháp rất hiệu quả để kích thích tinh thần ham học của đứa em. Hãy để hai anh em cùng chơi với nhau.

18. Khi hai anh em tranh giành đồ chơi thì hãy công bằng với cả hai. Nếu đứa em muốn có đồ chơi là đồ chơi của anh thì hãy nói đứa em xin phép anh để chơi, không nên can thiệp bảo anh hãy nhường cho em.

19. Đừng mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ vì nó sẽ làm trẻ chóng chán và giảm hứng thú học hành.

Lời khuyên của các tác giả về những điều lo lắng mà cha mẹ thường hay gặp phải khi nuôi dạy con sớm:

1. Tôi không đủ thời gian, tôi không đủ tiền bạc

  • Sẽ có nhiều cha mẹ sau khi đọc những điều viết ở trên sẽ cảm thấy choáng ngợp hay chán nản vì có quá nhiều thứ phải nuôi dạy cho con mình, hay nghĩ rằng mình quá bận rộn không có thời gian dạy cho con, kinh tế eo hẹp làm sao mua sách truyện cho con đọc, làm sao cho con đi học nhạc hay học vẽ, học tiếng Anh.
Phương pháp nuôi dạy con sớm của người Nhật
  • Không riêng gì ở Việt Nam, ở Nhật cũng không phải bà mẹ nào cũng ở nhà chăm con, cũng không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học piano, violin, học tiếng Anh…
  • Nhưng mọi người hãy thử nhìn xung quanh mình, có rất nhiều gia đình có điều kiện cho con mình đi học đàn, học tiếng Anh, học vẽ từ sớm, nhưng có bao nhiêu trẻ trong số đó thực sự phát huy được tài năng? Không những thế có nhiều trẻ còn bị phát triển chậm về trí tuệ, ngôn ngữ.
  • Ngược lại, những trẻ sinh ra trong điều kiện khó khăn hơn thì tất cả đều thua kém những đứa trẻ có điều kiện học nhạc, học tiếng Anh sớm hay sao? Vấn đề đó ở bất cứ nước nào cũng có.

Vậy thì điều quan trọng ở đây là cha mẹ yêu con mình thật sự, thật sự nỗ lực trong việc tạo ra môi trường dạy dỗ con theo khả năng mình có hay không.

2. Yêu thương trẻ như thế nào? Phương pháp nuôi dạy con sớm của người Nhật

  • Đối với trẻ con không gì quan trọng hơn là tình yêu của cha mẹ mà tình yêu đó là thông qua sự trò chuyện, âu yếm, ôm ấp, và khen ngợi trẻ hàng ngày. Vòng tay của người mẹ, giọng nói của người mẹ, thời gian người mẹ chơi cùng con dù chỉ là 5-10 phút chính là sách giáo khoa tốt nhất cho trẻ lúc đầu đời.
  • Tất cả các nhà giáo dục đều khuyên rằng hãy khi cho trẻ đi ngủ thì hãy nằm bên và ôm trẻ ngủ, trò chuyện lúc đó, hãy thì thầm và nói rằng bạn yêu trẻ như thế nào. Trẻ sẽ cảm nhận tình thương của cha mẹ dù lúc đó bắt đầu chìm vào giấc ngủ.
  • Có nhiều người sợ trẻ quen hơi nhưng mọi tác giả đều khuyên đừng lo lắng về điều đó vì những năm tháng đầu đời trẻ cần vòng tay của cha, mẹ hơn bao giờ hết.

3. Trò chuyện với trẻ như thế nào? Làm thế nào để dạy trẻ về ngôn ngữ?

  • Từ khi trẻ mới sinh ra mẹ là người cho trẻ bú, ru trẻ ngủ, tắm cho trẻ, dẫn trẻ đi chơi… Vậy thì từ lúc sinh ra ấy những lúc cho bú, cho ăn, tắm, dẫn đi dạo ấy hãy nói chuyện với trẻ thật nhiều.
  • Ví dụ như nói chuyện với trẻ bằng cách chỉ vào các bộ phận mắt, mũi, miệng…của mình rồi nói tên.
  • Khi ăn hãy giơ các đồ vật như thìa, bát, đĩa rồi nói tên cho trẻ. Khi di dạo hãy chỉ cho trẻ cái cây, bông hoa, nói tên chúng cho trẻ…là những ví dụ thiết thực nhất về việc dạy cho trẻ sự phong phú về ngôn ngữ.
  • Từ 0 tháng tuổi trẻ đều tiếp thu những thông tin đó (đã giới thiệu ở thời kì pattern period) dù chưa lí giải được, nhưng những gì ta dạy trẻ lúc này chính là nền tảng cơ bản để sau này trẻ có được lượng ngôn ngữ thật phong phú sẽ giúp trẻ nhanh biết nói, kích thích sự phát triển của trí não. Đồng thời nó cũng là cách khơi gợi trí tò mò và ham học hỏi ở trẻ.
  • Đọc truyện cổ tích, chuyện về các nhân vật nổi tiếng, dạy trẻ học thuộc thơ, bài hát chính là cách tốt nhất để tạo sự phong phú về vốn từ cho trẻ, đồng thời còn giúp trẻ nhớ lâu.

4. Nếu không học piano, học nhạc thì còn cách nào khác để phát triển trí tuệ, đặc biệt là thính giác.

  • Cho trẻ nghe nhiều bài hát, nhạc có âm điệu vui tươi. Nhưng tiếng nói thực tế của che mẹ vẫn là điều tuyệt vời và quan trọng hơn cả những tiếng nhạc từ trong loa.
  • Nếu cha mẹ nào là những người thích hát thì không gì tuyệt vời bằng hát cho con bạn nghe những bài hát thiếu nhi, hay những bài hát bạn yêu thích, hay hát để ru khi con ngủ. Có nhiều tác giả khuyên rằng bạn có thể thu giọng nói mình vào băng trước khi đi làm rồi nhờ ai trông trẻ mở lên cho trẻ nghe nhiều lần trong ngày.
  • Ngoài ra, bước sóng của âm nhạc có tần số khác với tần số bước sóng của giọng nói nên trẻ sẽ dễ tiếp thu bước sóng của âm nhạc hơn, và những bước sóng ấy sẽ kích thích trí não hoạt động nhiều hơn. Khi trẻ lớn hơn một chút thì dạy trẻ học hát.

5. Hãy huy động sự giúp đỡ từ những người thân để cùng nuôi dạy trẻ – Phương pháp nuôi dạy con sớm của người Nhật.

  • Đầu tiên là người cha, rồi đến ông bà, người giúp việc, người trông trẻ. Trước tiên hãy đả thông tư tưởng về phương pháp nuôi dạy trẻ sớm từ 0 tuổi cho những người thân, giúp họ hiểu tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng trẻ từ 0 tuổi.
  • Khi nhờ những người thân phụ giúp trong việc dạy dỗ trẻ thì nhất thiết phải là người mình tin tưởng, tránh để ảnh hưởng xấu đến con mình. Nếu đã quyết tâm áp dụng phương pháp nuôi con sớm thì phải giữ vững lập trường của mình.
  • Vì giai đoạn càng nhỏ thì trẻ càng dễ bị ảnh hưởng bởi người gần gũi với mình nhất, do đó nếu cha mẹ không để ý thì con cái mình sẽ dễ bị nhiễm những tật xấu của người xung quanh.

6. Hãy luôn để ý đến cảm xúc và tâm trạng của trẻ.

  • Hãy để con cái học với sự yêu thích chứ không phải là ép buộc. Không phải trẻ nào cũng thích âm nhạc, không phải trẻ nào cũng thích vẽ…hãy theo dõi con cái mình để nhận biết sở thích, sự hứng thú và từ đó khích lệ trẻ.
  • Hãy luôn nhớ rằng càng khi còn nhỏ mà trẻ được dạy dỗ nhiều về cái gì, được tiếp xúc nhiều với cái gì thì lớn lên trẻ có khuynh hướng có năng khiếu hay yêu thích cái đó. Hãy luôn dừng mỗi bài học trước khi trẻ bắt đầu thấy chán.
  • Hãy chỉ dạy trẻ khi nào cả trẻ và cả cha, mẹ có tâm trạng vui.

Lời cuối

  • Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy giúp mỗi đứa trẻ được phát huy tối đa những khả năng vô hạn mà trẻ có từ khi trẻ mới sinh ra. Giúp trẻ có nền tảng vững chắc để có thể trở thành một người vừa hiểu biết, tự tin, tự lập và vừa biết yêu thương người khác.
  • Muốn thế thì chỉ khi từ nhỏ trẻ phải được cảm nhận đầy đủ tình yêu thương, sự quan tâm và trò chuyện với cha mẹ thì lớn lên trẻ mới biết sống yêu thương và quan tâm đến người khác.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here