Cuốn sách “Phương pháp nuôi dạy con của người Nhật giai đoan 0-6 tuổi“ được người dịch (không trích dẫn hoàn toàn 100% vì sợ bản quyền) những cuốn sách này chỉ có một mong ước duy nhất là chia sẻ những kiến thức về nuôi dạy trẻ đến tất cả những ai quan tâm, những ai chưa biết về phương pháp nuôi dạy con sớm từ 0 tuổi, với ước mong thông qua những kiến thức này các bậc cha mẹ sẽ tìm ra phương pháp nuôi dạy tốt nhất dành cho những thiên thần nhỏ của mình.
Phương pháp nuôi dạy con của người Nhật giai đoạn 0-6 tuổi
- Trẻ em chính là tương lai của Việt Nam. Người dịch không phải là chuyên gia dịch thuật nên có thể có những lỗi văn phạm hay từ ngữ chuyên môn không được chuẩn xác thì xin người đọc hãy lượng thứ.
- Khi muốn chia sẻ thông tin trong bài viết này thì mọi người hãy luôn ghi nhớ những tác giả SHICHIDA Makoto, IBUKA Masaru, KIMURA Kyuichi và nên cảm ơn họ vì họ là một trong số rất nhiều nhà giáo dục đã viết ra những cuốn sách tuyệt vời làm thay đổi số phận của rất nhiều con người, giúp ích cho sự tiến bộ của giáo dục Nhật Bản.
- Dù tựa đề ghi là từ 0-6 tuổi nhưng những cách cha mẹ dạy con cái giúp trẻ hình thành nhân cách hay phương pháp giúp trẻ thích học tập thì vẫn có thể áp dụng với những trẻ lớn hơn 6 tuổi.
Các cuốn sách tham khảo:
1. Cuốn sách chủ đạo là “Nuôi dưỡng con để phát triển toàn diện về trí tuệ và tài năng” – tác giả SHICHIDA Makoto.
2. Tham khảo thêm từ các cuốn sách sau:
- Nuôi con từ 0 tuổi những điều người mẹ cần làm, tác giả IBUKA Masaru.
- “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” – tác giả IBUKAI Masaru.
- “Thiên tài và sự giáo dục sớm” – tác giả KIMURA Kyuichi.
Lời khuyên của các tác giả dành cho các bậc cha mẹ trước khi áp dụng những điều được viết trong sách:
Điều đầu tiên, tất cả các tác giả của những cuốn sách này, đều là những nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật, muốn khẳng định rằng những ai áp dụng phương pháp nuôi dạy trẻ được viết trong những cuốn sách này với mong muốn biến con mình trở thành những thần đồng hay thiên tài thì đừng đọc nó.
Vì mục đích của tác giả viết ra những phương phải đó không phải là để biến những đứa trẻ trở thành thiên tài hay thần đồng. Mục đích là để các bậc cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc nuôi dạy con từ sớm, từ đó biết cách nuôi dạy con để phát huy tối đa những khả năng và tố chất mà con cái của mình có. Giúp con cái mình có nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ, và nhân cách và sau này trở thành những người có ích cho xã hội.
Điều thứ hai là lật lại lịch sử của tất cả thiên tài hay thần đồng trên thế giới này đều có chung một điểm là họ đều không phải là do thiên bẩm hay do trời phú cho họ tài năng đó, mà 99% những người đó đều được áp dụng phương pháp nuôi dạy con từ sớm, tức là được cha mẹ họ nuôi dạy từ khi mới lọt lòng (Kimura Kyuichi).
Yếu tố gen chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn lại tất cả những tài năng phi thường mà họ có được đều được hình thành nhờ giai đoạn nuôi dưỡng đúng đắn từ 0-6 tuổi, đặc biệt là giai đoạn từ 0-3 tuổi.
Điều thứ ba là vì sao phải nuôi dạy con sớm? Bởi vì bộ não của trẻ chỉ phát triển đến năm 6 tuổi, còn sau 6 tuổi thì hầu như không phát triển nữa. Và giai đoạn từ 0-3 tuổi (bộ não hoàn thiện 80%) là giai đoạn trẻ có khả năng học tập tốt nhất, khả năng nhớ, liên tưởng,…là vô hạn, nó cũng quyết định sự hình thành về tính cách và năng lực của trẻ.
Nếu ví khả năng mà bộ não của trẻ tiếp nhận thông tin và tri thức như một chiếc computer thì giai đoạn 0-3 tuổi giống như là hardware còn sau giai đoạn đó chỉ như là software mà thôi. Chúng ta thường hay cho rằng trẻ con thì không biết gì, mặc nhiên coi việc giáo dục trẻ là bắt đầu khi trẻ đi mẫu giáo, hay vào lớp 1 trở đi mới chú trọng.
Thực tế nghiên cứu lại cho thấy phát triển trí tuệ của trẻ sau 4 tuổi là đã quá trễ, đợi đến khi vào lớp 1 thì lại càng không thay đổi nhiều được trí tuệ hay khả năng của trẻ nữa.
Điều thứ tư là thời kì 0-3 tuổi là thời kì không một ai có thể thay thế được vị trí và vai trò của người mẹ trong việc nuôi dạy trẻ. Sợi dây gắn kết được hình thành giữa mẹ và trẻ đã có từ khi trẻ trong bụng mẹ, rồi khi trẻ được sinh ra thì mẹ chính là người gần gũi nhất.
Tình thương của người mẹ được trẻ cảm nhận vô cùng đặc biệt so với những người khác, đặc biệt là giọng nói của mẹ. Nếu giai đoạn này mà trẻ phải xa mẹ và được người khác chăm sóc thì trẻ sẽ không bao giờ cảm nhận đầy đủ được tình yêu của mẹ, dù sau này người mẹ có muốn bù đắp bao nhiêu đi nữa.
Hơn nữa, giai đoạn này sự hình thành tính cách, năng lực, trí tuệ của trẻ là phát triển mạnh mẽ nhất, nếu người mẹ không ở bên mỗi ngày thì trẻ sẽ không được phát huy hết khả năng của mình, và tính cách của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố của người xung quanh nhiều hơn là của mẹ. Vì thế đừng bao giờ giao việc chăm con, chơi với con cho người khác ở giai đoạn này.
Điều thứ năm là phương pháp áp dụng nuôi dạy con sớm có thể dành cho mọi gia đình dù giàu có hay khó khăn về tiền bạc. Bởi vì sao?
Để có thể nuôi dạy con tốt thì dù có phương pháp tốt, có nhiều tiền thế nào đi nữa mà các bậc cha mẹ thiếu đi bốn yếu tố sau thì không thể nào thành công được đó là: Yêu Thương, Kiên Nhẫn, Trò Chuyện và Khen Ngợi. Những điều đó cha mẹ nào cũng có thể cho con cái mình, nó chỉ phụ thuộc vào cách mà cha mẹ làm mà thôi.